Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Thiệt hại hàng không do tro núi lửa

Thiệt hại hàng không do tro núi lửa

Các hãng hàng không sẽ mất doanh thu ít nhất là $ 200 triệu mỗi ngày do tro bụi núi lửa Iceland buộc đóng không phận nhiều nước.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết các thành viên của IATA cũng sẽ mất thêm doanh thu do phải triển khai kế hoạch thay thế tốn kém.

Trong khi đó hãng KPMG cho biết dự kiến các chuyến bay tính riêng ở Anh khiến các hãng hàng không mất trên 200 triệu bảng Anh mỗi ngày.

Tất cả các chuyến bay tại Anh và xứ Wales bị hủy vào vào thứ Sáu.

Thiệt hại

Trang web British Airways nói họ hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ các sân bay ở London vào thứ Bảy.

Hãng Lufthansa của Đức thông báo tất cả các chuyến bay châu Âu sẽ phải hủy cho đến khi ít nhất 1100 giờ BST vào thứ Bảy.

Và Ryanair nói không bay chuyến nào tuyến Bắc Âu cho đến ít nhất chiều thứ Hai.

IATA cho biết ước tính mất mỗi ngày $ 200 triệu mới chỉ là "mất mát sơ bộ”

"Ngoài các khoản doanh thu bị mất, các hãng hàng không sẽ phải chịu thêm chi phí thay đổi tuyến bay, chi phí chăm lo cho hành khách bị mắc kẹt và phí tổn cho máy bay bị kẹt tại các sân bay khác nhau," Giám đốc truyền thông của IATA, Anthony Concil, cho biết.

Cổ phiếu của hãng hàng không lớn của châu Âu giảm giá vào ngày thứ Sáu khi mây tro núi lửa lan rộng khắp châu Âu.

Giá cổ phiếu British Airways giảm 3,3%, trong khi cổ phiếu Air France-KLM giảm mất 3,4%, và cổ phiếu Lufthansa tụt 4,1%.

Giá cổ phiếu giảm phản ánh mối quan tâm giữa các nhà đầu tư trên tác động của việc ngừng có thể có trong ngành công nghiệp hàng không.

Nhưng Douglas McNeill, nhà phân tích từ Công ty Chứng khoán Charles Stanley cho biết tác động tài chính sẽ nhỏ do đóng không phân chỉ là ngắn hạn.

"Rõ ràng nếu không bay thì lấy đâu ra doanh thu từ hành khách" ông nói với BBC.

"Đối với hãng lớn như BA hoặc Lufthansa thì họ mất £ 10 triệu mỗi ngày"

"Một vài ngày như thế này sẽ không vấn đề gì. Tuy nhiên nếu diễn ra hàng tuần lễ thì đó lại là một câu chuyện khác."

Dr Ashley Steel, Chủ tịch toàn cầu về Giao thông Vận tải và Cơ sở hạ tầng tại KPMG, cho rằng ngưng bay làm những hãng như BA mất "Cả chục triệu bảng Anh".

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng các hãng cần xem lại cách đối phó thế nào cho tốt hơn với các sự cố như vậy trong tương lai.

"Sự kiện có một không hai này một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải sáp nhập và liên minh toàn cầu trong ngành hàng không bởi các hãng hàng không toàn cầu đối phó tốt hơn với những thiệt hại về tài chính từ sự cố như thế này" ông nói.

Howard Archer, Kinh tế gia trưởng của Âu châu tại IHS Global Insight, cho biết tác động về thương mại ở mức tối thiểu với giả định rằng việc đóng không phần sẽ không kéo dài.

"Một số doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi không vận chuyển được hàng hóa trong và ngoài nước. Nhưng nếu gián đoạn không quá dài thì đây không phải là một vấn đề lớn", ông nói.

Xuất nhập khẩu bằng quan vận tải hàng không chỉ chiếm 1% tổng lượng thương mại Anh Quốc, theo Oxford Economic Forecasting.

Tuy nhiên, về mặt giá trị, khoảng 30% lượng hàng xuất khẩu được vận chuyển bằng đường hàng không - với dược phẩm phụ thuộc đặc biệt vào vận tải hàng không, do giá trị cao và trọng lượng thấp của sản phẩm.

Ngư lôi mang ký hiệu Trung Quốc trôi trên biển VN Ngư lôi mang ký hiệu Trung Quốc trôi trên biển VN

Ngư lôi mang ký hiệu Trung Quốc trôi trên biển VN

Trong lúc đang đánh cá tại vùng biển ngang địa phận Quảng Trị, một tàu cá đã vớt được 1 quả ngư lôi nặng đến 7 tấn, trên vỏ in chữ Trung Quốc.

Đánh cá vớt được ngư lôi

Theo hồ sơ vụ việc, lúc 10 giờ ngày 10.4, tàu cá QNg 98688 TS của chủ tàu Nguyễn Thạnh (SN 1971, ở Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi), có 6 thuyền viên, cùng tàu QNg 90170 TS có 5 người (là một cặp tàu đánh cá chung) cập cửa Gianh (thuộc xã Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình) để bán cá. Qua công tác kiểm tra kiểm soát, Trạm kiểm soát cửa Lạch (Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh) phát hiện trên tàu có một vật kim loại mang hình quả ngư lôi. Tổ kiểm soát tiến hành lập biên bản kiểm tra phương tiện, kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy đồn xin ý kiến chỉ đạo.

Sau khi nhận được báo cáo của Trạm kiểm soát cửa Lạch, Ban chỉ huy đồn đã báo cáo với Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình xin ý kiến chỉ đạo và thành lập tổ bảo vệ hiện trường do thiếu tá Nguyễn Xuân Phú - Phó đồn trưởng trinh sát làm tổ trưởng; đồng thời tiến hành thủ tục pháp lý theo quy định, hoàn chỉnh bước đầu hồ sơ vụ việc.

Theo lời khai của thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu QNg 98688 TS với cơ quan chức năng, khoảng 9 giờ ngày 30.3.2010, tại tọa độ 16 độ 30’00’’ N - 108 độ 15’00’’ E (thuộc vùng biển Quảng Trị), tàu đang chạy theo hướng tây nam thì phát hiện vật trên. Thuyền trưởng đã cho các thuyền viên dùng cẩu của tàu cẩu vật lên boong. Sau đó, tàu trên cùng tàu QNg 90170 TS tiếp tục đánh bắt cá, đến ngày 10.4 vào cửa Gianh thì bị phát hiện, lập biên bản. Quá trình từ lúc vớt được đến lúc vào bờ, các thuyền viên đã tháo 3 ốc vít ở phía đầu của vật trên.

Phát hiện ký hiệu Trung Quốc

Sau khi phát hiện, Đồn biên phòng Cảng Gianh đã yêu cầu tàu cá lập tức ra neo đậu ngoài biển, giữ khoảng cách an toàn với các tàu thuyền và khu vực dân cư. Kiểm tra sơ bộ cho thấy: vật trên cấu tạo bằng kim loại, dài 7,03m, chu vi vòng tròn 1,70m, đuôi có 3 cánh; chia thành 7 khúc (thân 5 khúc, đầu 1 và đuôi 1), nặng 7 tấn; thân có màu vàng, đầu và đuôi có màu đỏ; trên thân có ký hiệu H/EZ01A-0401-01 và có nhiều chữ Trung Quốc.

Trong ngày 10.4, đoàn công tác của Ban chỉ huy quân sự huyện Quảng Trạch do thượng úy Trần Mạnh Lợi (trợ lý công binh) đến hiện trường nhưng không kết luận được.

Tiếp đến, ngày 13.4, đoàn công tác của Quân khu 4 do đại tá Trần Văn Sơn (Phó trưởng phòng Công binh) làm trưởng đoàn cùng thượng tá Võ Anh Thể (Chủ nhiệm Công binh Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình), thiếu tá Nguyễn Việt Hưng (Cảng vụ trưởng Cảng 313, hải quân) đến hiện trường làm việc. Sau khi kết luận đó là quả ngư lôi do nước ngoài sản xuất, đoàn báo cáo Bộ Quốc phòng xin ý kiến xử lý.

Chiều 14.4, đoàn của Trung tâm Xử lý bom mìn thuộc binh chủng công binh do thiếu tá Lưu Ngọc Quang (Cụm phó Cụm 2) cùng ông Lê Thơm (cố vấn xử lý bom mìn của trung tâm) đến hiện trường.

Ngày 15.4, tại Cảng vụ 313 hải quân, đại diện Ban chỉ huy Đồn biên phòng Cảng Gianh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, Vùng 3 Hải quân, Trung tâm Xử lý bom mìn đã kết luận vật thể trên là quả ngư lôi do nước ngoài sản xuất, mang ký hiệu Trung Quốc, thuộc trang bị của hải quân. Đoàn thống nhất phương án giao Hải quân Vùng 3 quả ngư lôi trên.

Hiện quả ngư lôi được bảo quản chờ tiếp tục xử lý.

Tiễn đưa Tổng thống Ba Lan

Tiễn đưa Tổng thống Ba Lan

Hàng ngàn người có mặt ở Krakow tiễn đưa Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski. Sau khi cử hành tang lễ, Tổng thống sẽ được chôn cất tại Thánh đường Wawel, nơi yên nghỉ của các vua Ba Lan và các anh hùng dân tộc.

Ông và 95 người khác tử nạn cách đây tám ngày khi máy bay của họ gặp nạn trong sương mù trên đường đến dự một nghi lễ ở Nga.

Nhiều lãnh đạo thế giới không thể tới dự tang lễ vì không phận nhiều nước bị đóng do tro bụi núi lửa từ Iceland.

Tổng thống Nga Dimitri Medvedev đã tới Krakow bằng máy bay, bất chấp hạn chế hàng không, phát ngôn viên Kremlin nói.

Nơi an nghỉ cuối cùng

Tang lễ cấp nhà nước sẽ bắt đầu với một Thánh Lễ tại nhà thờ Basilica St Mary ở Krakow.

Từ quảng trường trung cổ của thành phố, linh cữu vợ chồng cố tổng thống sẽ được rước qua một con đường có quốc kỳ Ba Lan và băng đen, với hình ảnh của ông Lech Kaczynski và vợ ông là bà Maria.

Theo dự kiến sẽ có rất nhiều người tới dự tang lễ sau một tuần quốc tang.

Phi cơ chính phủ Ba Lan bị rơi tại phía tây nước Nga ngày 10 tháng Tư.

Giới điều tra tin rằng phi công gây lỗi do đụng phải tán cao của cây lúc hạ cánh trong sương mù tại khu vực Smolensk, nơi phái đoàn Ba Lan tới để tham dự một lễ tưởng niệm cho người Ba Lan bị mật vụ của Stalin giết tại Katyn trong Đệ nhị Thế chiến.

Các nhà lãnh đạo chính trị và quân đội cao cấp của Ba Lan đã thiệt mạng trong vụ tai nạn, bao gồm người đứng đầu của ba nhánh trong quân đội Ba Lan.

Vào ngày thứ Bảy, hàng trăm ngàn người đã tham gia một buổi lễ tưởng niệm ngoài trời ở trung tâm Warsaw.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không tham dự tang lễ ông Kaczynski, vào ngày chủ nhật vì đình trệ không phận khắp châu Âu, Tòa Bạch Ốc cho biết.

Những lãnh đạo khác không thể tham dự bao gồm Thái tử xứ Wales, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Một loạt nhà lãnh đạo miền đông châu Âu đã cho biết họ sẽ tới dự bằng đường bộ.

Những chính khách tham dự gồm Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Cộng hòa Czech Vaclav Klaus, Tổng thống Slovakia Ivan Gasparovic, Tổng thống Slovenia Danilo Turk, Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych, Tổng thống Latvia Valdis Zatlers; Tổng thống Romania Traian Basescu; Tổng thống Hungary Solyom Lazslo.

Chủ tịch Trung Quốc thăm vùng động đất

Chủ tịch Trung Quốc thăm vùng động đất

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đến thăm nạn nhân trận động đất hồi tuần trước tại khu vực nguyên Tây Tạng xa xôi trong lúc số người chết đã tăng hơn 1.700.

Một số ít người được tìm thấy còn sống sót bốn ngày sau khi có trận động đất, trong đó có một người đàn ông 68 tuổi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kêu gọi Trung Quốc cho phép ông đến thăm tương tự.

Giới chức nói rằng người dân vào lúc này cần có nơi tạm trú, thực phẩm và nước.

Tuy nhiên để cung cấp được cho các khu vực bị động đất ở vùng cao 4.000 m trên mực nước biển là không dễ dàng.

Vào ngày Chủ nhật, số người chết từ trận động đất 6,9 độ, vụ lớn thứ tư tại tỉnh Thanh Hải đã, lên tới 1.706 và 256 còn người mất tích, Tân Hoa Xã cho biết.

Chủ tịch Hồ Cầm Đào, người đã cắt ngắn chuyến đi dự hội nghị thượng đỉnh ở Nam Mỹ, đã đến Jiegu thị trấn, ở vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, và để động viên các nhóm cứu hộ tiếp tục làm việc.

"Cứu những người bị mắc kẹt vẫn là ưu tiên chính. Chúng ta phải lo cứu người," ông Hồ Cẩm Đào nói ở làng Đại Đồng, truyền thông nhà nước đưa tin.

Một người cao tuổi đã nằm dưới đống đổ nát 100 giờ cho tới khi được cứu và tình trạng của ông bây giờ đã ổn định, Tân Hoa Xã cho biết.

Tuy nhiên trọng tâm đã thay đổi theo như phóng viên BBC Quentin Sommerville tại Bắc Kinh vì người dân địa phương và các nhà sư đã bắt đầu hỏa táng những người tử nạn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng sông lưu vong và là người sinh ra ở tỉnh Thanh Hải, vào ngày thứ Bảy thỉnh cầu nhà chức trách Trung Quốc để cho phép ông tới thăm khu vực động đất, nơi 12.000 người khác bị thương và 100.000 người mất nhà.

Người ta cho rằng nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ đồng ý với yêu cầu của ông.

Hỏa táng nạn nhân động đất tại TQ

Hỏa táng nạn nhân động đất tại TQ

Khoảng 700 người thiệt mạng trong vụ động đất khủng khiếp ở tây bắc Trung Quốc hôm thứ Tư đã được hỏa táng tập thể bên ngoài thị trấn Gawa.

Các nhà sư làm lễ tụng kinh cho những người này, rồi toàn bộ số xác được đặt vào một rãnh lớn và hỏa táng.

Số người thiệt mạng tại tỉnh Thanh Hải đã tăng tới 1.144.

Một người phát ngôn của đội cứu hộ cho hãng thông tấn Tân Hoa Xã biết, 417 người vẫn mất tích và 11.744 người bị thương.

Người Tây Tạng có tục chôn người theo đó xác người chết được chặt thành nhiều mảnh và đặt trên một mặt phẳng lớn để kền kền đến rỉa.

Hàng ngàn người mất nhà cửa

Nhưng nhà chức trách đã quyết định cho hỏa táng xác các nạn nhân vì lo ngại bệnh tật có thể lan rộng nhanh chóng.

Một người địa phương nói: “Kền kền không thể ăn hết chỗ xác đó được.”

Các nhà sư địa phương dựng một giàn thiêu khổng lồ gần thị trấn Gawa.

Sau trận động đất, rất nhiều người dân tại đây đã tìm đến các nhà sư để được giúp đỡ, chứ không tìm đến chính quyền trung ương.

Hàng ngàn người mất nhà cửa, nhiều người phải ngủ ngoài trời lạnh giá.

Theo phóng viên đài BBC, Quentin Sommerville, các hoạt động cứu hộ vẫn đang tiếp diễn, nhưng hy vọng tìm thấy người sống dưới đống đổ nát đang tắt dần.

Nhiều người may mắn sống sót từ trận động đất đã sống bốn ngày qua trong điều kiện không chỗ trú ẩn và không thức ăn. Thị trấn Gawa nằm khá cao trên vùng núi của tỉnh Thanh Hải. Tại đây không khí khá loãng và nhiệt độ thường tụt xuống dưới không vào ban đêm.

Trung Quốc đã cử 10.000 lính và bác sĩ tới giúp, nhưng quy mô của thảm họa quá lớn nên công tác cứu trợ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhà chức trách tại Bắc Kinh cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp các nạn nhân động đất và sau đó sẽ xây dựng lại thị trấn này.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã hứa sẽ có “nỗ lực cao nhất” để tái thiết vùng này.

Hôm thứ Sáu, các thiết bị san ủi được đưa tới vùng Himalaya hẻo lánh bằng đường bộ từ cách đó hàng trăm kilomet.

Thực phẩm, lều trại và thuốc men cũng đã được đưa tới nhưng nhân viên cứu hộ cho rằng còn cần thêm rất nhiều.

Nhân viên cứu hộ tại Ngọc Thụ, thị trấn ở độ cao 4000 mét, cũng gặp nhiều khó khăn bởi trời lạnh giá và làm việc trên độ cao.

Chín mươi bảy phần trăm dân số Ngọc Thụ là người thiểu số Tây Tạng và báo chí nhà nước cho hay 500 phiên dịch viên đã được cử tới để giúp nhân viên cứu trợ.

Vụ động đất xảy ra sáng thứ Tư ở độ sâu 10 kilomet đã quật đổ các đường dây điện và điện thoại, gây lở đất, cản trở cứu trợ.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới thăm khu vực bị ảnh hưởng hôm thứ Năm và thứ Sáu.

Ông nói người dân sẽ “vượt qua thảm họa này và tăng cường đoàn kết dân tộc để chống lại thiên tai”.

TQ bỏ tù nhà hoạt động trên Internet


TQ bỏ tù nhà hoạt động trên Internet

Ba người đàn ông đã bị bỏ tù ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc sau khi đưa lên mạng Internet trực tuyến các tư liệu thay mặt cho một phụ nữ đang cố gắng điều tra về cái chết của con gái bà.

Ba người mới lĩnh án tù đã bị kết tội vu khống, làm tổn hại đến lợi ích nhà nước, trong một phiên tòa thu hút các cuộc biểu tình ủng hộ các bị cáo ở bên ngoài tòa án.

Trước đó, các bị án đã đăng tải một video trực tuyến mà trong đó người phụ nữ là mẹ của 'nạn nhân' nói rằng con gái của bà đã qua đời sau khi bị hãm hiếp bởi các phần tử côn đồ có liên kết với cảnh sát.

Về phần mình, cảnh sát cho biết người phụ nữ xấu số qua đời do các biến chứng liên quan tới việc mang thai.

Luật sư Liu, người bào chữa cho các bị cáo cho hay Tòa án tại thành phố Phúc Châu đã tuyên án hai năm cho một trong các thân chủ của ông, trong khi hai người còn lại chịu mức án một năm tù giam.

'Khôi hài'

Luật sư Liu nói rằng ba thân chủ của ông đã giúp đỡ bà Lin, mẹ của 'nạn nhân,' gây áp lực lên chính quyền để họ mở lại điều tra về cái chết của con gái bà hồi năm 2008.

Bà Lin đã buộc tội cảnh sát bảo vệ một băng đảng tội phạm mà bà tin rằng đã hãm hiếp con gái bà.

Hiện chưa rõ ai là người mà tòa tin là đã bị 'vu khống'.

"Tòa án thì nói rằng hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của nhà nước, một chuyện quá khôi hài," ông Liu nói.

"Thực chất đây là sự vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân, một quyền lợi hợp pháp của công dân," ông nói với hãng tin Associated Press.

Hàng trăm người sử dụng Internet trên khắp Trung Quốc đã tới thành phố Phúc Châu để biểu thị sự hậu thuẫn của họ cho các nhà hoạt động nói trên.

Các nhân chứng cho hay các đám đông ủng hộ đã vẫy băng cờ và hát các bài hát, trong khi nhiều người khác viết blog và gửi đi từ địa điểm phiên tòa, hoặc gửi tin nhắn trao đổi, thông qua trang mạng xã hội Twitter.

Trung Quốc hiện có khoảng 400 triệu người sử dụng mạng Internet, nhưng nội dung các tài liệu trực tuyến được đăng tải trên mạng này bị bị kiểm duyệt khắt khe vì lý do chính trị và đạo đức.

Giao thông hàng không tiếp tục gián đoạn

Giao thông hàng không tiếp tục gián đoạn


Giới chức hàng không cho biết các chuyến máy bay từ châu Âu sẽ còn tiếp tục ngừng trệ nhiều ngày vì tro núi lửa Iceland.

Trong khi các đám mây tro di chuyển chầm chậm về phía nam và phía đông, nhiều quốc gia từ Anh quốc tới Nga vẫn đóng cửa không phận của mình.

Cơ quan không lưu Anh nói "các dự báo thời tiết hiện thời cho thấy tình hình xấu đi trong ngày thứ Bảy".

Hàng trăm nghìn hành khách đang bị ảnh hưởng sau hai ngày giao thông hàng không tê liệt.

Hiệp hội các công ty không lưu toàn cầu Canso nói: "Ảnh hưởng của tro bụi núi lửa tại Bắc Âu có thể sẽ làm gián đoạn hàng không châu Âu thêm một số ngày nữa".

Thông cáo của hội này nhận định: "Sẽ phải tổ chức lại giao thông, bố trí lại các tuyến hàng không và các chuyến bay trên cơ sở gấp rút và chưa từng có tiền lệ."

Tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu Eurocontrol cảnh báo rằng các hành khách sẽ tiếp tục bị lỡ chuyến bay do không phận nhiều nước châu Âu còn đóng cửa hoặc chỉ mở cửa một phần.

Nhiều hãng hàng không không cho máy bay cất cánh vì sợ bụi núi lửa rơi từ độ cao 1.500 mét có thể gây hư hại nặng cho máy bay.

Cả một vùng trời chung lớn ở phía bắc châu Âu không có bóng máy bay vào hôm thứ Sáu.

Khoảng hai phần ba trong số 28.000 chuyến bay hàng ngày bị hủy, trong khi chỉ có một nửa số chuyến bay giữa châu Âu và Bắc Mỹ được tiến hành.

Các đám tro bụi tiếp tục di chuyển trên bầu trời các nước Anh, khu vực Scandinavia, Ba Lan, bắc nước Pháp và Áo, hướng về nước Nga với vận tốc khoảng 40 km/h.

Tro bụi lan tỏa

Khoảng 20 nước đóng cửa đa phần không phận của mình, tuy Thụy Điển, Ireland và Na Uy đang dần dần bỏ hạn chế.

Các sân bay đông khách nhất châu Âu, trong có Heathrow, Frankfurt và Charles de Gaulle, bị ảnh hưởng nặng nề.

Kể từ hôm thứ Tư, khi núi lửa Eyjafjallajokull phun trở lại lần thứ hai trong tháng, hàng trăm nghìn khách đi máy bay bị mắc kẹt tại sân bay.

Gunnar Gestur Geirmundsson, một người Iceland sống gần nơi núi lửa nói với BBC rằng nhà chức trách cảnh báo núi lửa sẽ tiếp tục phun bụi trong ngày thứ Bảy và mây tro sẽ còn tiếp tục lan tỏa.

"Cảnh tượng thật là kỳ lạ khi ở chân núi là băng tuyết trong khi núi lửa phun trào ở trên."

Vì không bay được, các hành khách phải chuyển sang các phương tiện khác như tàu lửa, xe buýt và tàu thủy.

Dịch vụ tàu tốc hành xuyên eo biển La Manche giữa Anh và Pháp, Eurostar, cho biết đang quá tải vì lượng hành khách quá đông và không còn vé thừa cho tới tận thứ Hai.

Lệnh cấm bay khiến cho lãnh đạo các nước trên thế giới có thể sẽ găp khó khăn khi tới tham dự lễ tang Tổng thống Ba Lan Chủ nhật này.